Giấm gỗ sinh học – sản phẩm đa năng đến từ thiên nhiên

Giấm gỗ là gì?

Từ thời xưa, nhờ kinh nghiệm thực tế, những người nông dân đã biết sử dụng loại nước cốt từ gỗ được đốt cháy để trị các bệnh ngoài da. Thực ra, đó là một dạng giấm gỗ, nước có vị chua được chiết xuất từ thực vật.

Giấm gỗ (thường gọi là Wood Vinegar hay Pyrolygneous) đã trở thành một sản phẩm sinh học được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản…  Giấm gỗ có nguồn gốc thiên nhiên chiết xuất từ hơi bốc lên trong quá trình nhiệt phân thực vật (quá trình sản xuất than sinh học) một cách chọn lọc, loại trừ các hợp chất không an toàn và thu được sản phẩm giấm gỗ.

Giấm gỗ Trại Xanh
Giấm gỗ được chiết xuất từ quá trình sản xuất than cao cấp

Công dụng của giấm gỗ

Thành phần của giấm gỗ có tới hơn 200 hợp chất hữu cơ, ngoài ra phần lớn là nước cất (khoảng gần 90%), còn lại là Axit axetic 3-5% và các chất cồn, Ester, axit, Phenol, Methanol,… Giấm gỗ có mùi khói đặc trưng, màu nâu đỏ đến vàng sẫm, độ tinh khiết cao, có tính kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa rất mạnh. Vì vậy, sử dụng giấm gỗ như một sản phẩm hữu cơ thân thiện, được ví như là sức mạnh của thiên nhiên ứng dụng an toàn trong nhiều lĩnh vực:

– Trong bảo vệ thực vật sinh học: Tăng trưởng thực vật, kiểm soát cỏ dại, ngăn ngừa, xua đuổi hoặc tiêu diệt côn trùng, nấm, vi sinh vật gây hại, một số loại sâu bọ,…

– Trong bảo vệ môi trường: Giấm gỗ được dùng để xử lý chất thải hữu cơ, ức chế sự hoạt động các vi sinh vật gây hại, bao phủ và kiềm hãm sự giải phóng các khí NH3, H2S, NO2, NO3,… làm giảm mùi hôi rác thải hữu cơ từ các nguồn.

– Trong chăn nuôi: Giấm gỗ khử mùi hôi làm sạch môi trường chuồng trại, có tác dụng kích thích tiêu hóa, gián tiếp làm giảm mùi hôi phân thải của vật nuôi.

Ví dụ:

Công trình nghiên cứu của Tiến sỹ người Nhật Bản Kishimoto năm 1991 đã gia nhiệt phân chim lên 80oC, sau đó dùng dung dịch thử nghiệm khử mùi với 1 lượng nhất định (200 ml), tiến hành đo cường độ mùi của khí. Phân chim sống có cường độ mùi là 167. Sau khi cho đi qua giấm gỗ, cường độ mùi giảm 0,5 lần, thời gian càng lâu thì độ giảm cường độ mùi càng lớn, nhưng sau 4 giờ, cường độ mùi không còn giảm nữa. Nếu dùng giấm gỗ đã pha loãng 10 lần, sau 3 tiếng cường độ mùi giống như phân sống. Quá trình được lập lại một vài lần, phân chim gần như hết mùi.

Kết quả đo nồng độ Ammoniac và Hydro Sulfua, so sánh mẫu đã trộn giấm gỗ vào thức ăn và mẫu đối chứng, nồng độ Ammoniac giảm 23~43%, nồng độ Hydro Sulfua giảm 85%. Sau đó tiến hành đánh giá nồng độ mùi của phân đã qua xử lý bằng giấm gỗ và mẫu đối chứng, qua khứu giác của các thành viên trong nhóm nghiên cứu, xác nhận có hiệu quả khử mùi.

Tiến hành thử nghiệm trên bò Nhật cũng cho kết quả khử mùi tương tự như đối với chim. Hỗn hợp thức ăn có trộn than gỗ, giấm gỗ có tác dụng ngăn ngừa các vấn đề ô nhiễm mùi trong chăn nuôi. Kết quả này cũng được thực chứng đối với lợn. Khi trộn giấm gỗ vào thức ăn cho lợn ăn, ta thấy lợn ăn khỏe hơn, khả năng sinh sản cũng tăng lên.

Thịt lấy từ lợn được cho ăn thức ăn có trộn giấm gỗ không có thành phần chất béo, thịt săn chắc. Lượng giấm gỗ trộn vào nhiều nhất là khoảng 0,1 – 1% lượng thức ăn. Không trộn nhiều hơn vì giấm gỗ có mùi mạnh nếu cho vào quá nhiều, lợn sẽ không thích và làm biếng ăn.

Ngoài ra, trong nhiều lĩnh vực khác, người Nhật còn dùng giấm gỗ để pha loãng với nước, tắm bảo vệ da, làm hương thực phẩm xông khói, hay sử dụng để xua đuổi động vật nhỏ, côn trung, ruồi, muỗi, kiến gián, mối mọt,…

Giấm gỗ Việt Nam

Tại Việt Nam, một số nhà máy đã tiến hành sản xuất thử nghiệm thành công giấm gỗ sinh học, trong đó có Trại Xanh từ những năm 2012. Giấm gỗ do Việt Nam sản xuất đã được khảo nghiệm và mang lại những kết quả khả quan: trên cây rau muống, rau dền, khổ qua, rau cải cho kết quả xua đuổi, ngăn ngừa tốt đối với một số sâu bệnh hại, vườn rau phát triển ổn định.

Giấm tre Trại Xanh
Giấm tre được thử nghiệm trên cây chè tại Thái Nguyên

Đặc biệt trê một số vùng chè tại Thái Nguyên, các vườn chèthử nghiệm với giấm tre sinh học (loại giấm gỗ được chiết xuất từ cây tre Việt Nam) đem lại kết quả diệt trừ và phòng ngừa sâu bệnh hại rất tốt… và hỗ trợ cây chè nhanh ra búp non cao hơn 5-10% so với cây chè thông thường.

Trong xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, giấm gỗ cũng đã được khảo nghiệm tại một số hộ chăn nuôi ở Nghệ An do Viên Môi trường Nông nghiệp thực hiện tháng 11/2017 có sự giám sát của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ TN- MT) cho kết quả khử mùi hôi tốt.

Ngoài ra, giấm gỗ còn có khả năng kháng vi khuẩn Gram (+) tương đối mạnh, kháng vi khuẩn Gram (-) rất mạnh, kháng nấm mốc mạnh theo kết quả thử nghiệm thực tế do Trung tâm Giống và bảo tồn nguồn gen vi sinh vật, Viện Công nghệ sinh học thực hiện.

Trại Xanh tổng hợp.